Đọc sách:

Giáp và Clao-dơ-vít

LTS: Nhân dịp sinh nhật lần thứ 98 (25-8-1911/25-8-2008) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng Hồng Cư về cuốn sách “Giáp và Clao-dơ-vít” của tác giả phương Tây, T.Đéc-ben, do NXB Aden Brucxen Bỉ xuất bản năm 2006. Tác giả T.Đéc-ben có đánh giá sâu sắc về Đại tướng khi đưa ra sự liên hệ thú vị về ông và Tướng Clao-dơ-vít - Nhà nghiên cứu lý luận và sử học quân sự nổi tiếng của nước Phổ thế kỷ thứ XIX.

Một người bạn mới đưa cho tôi cuốn sách nhỏ tiếng Pháp, bìa màu vàng tươi in hình một chiến sĩ Việt Nam màu đỏ súng cầm tay, mũ nan cài lá, áo ngụy trang tung bay trong tư thế xung phong.

Tác giả cuốn sách là T.Đéc-ben (T.Derbent). Tên sách là “Giap et Clausewitz” (Giáp và Clao-dơ-vít, NXB Aden Brucxen Bỉ - 2006). Có thể nói đây là một cuốn sách mới viết về Tướng Võ Nguyên Giáp của một tác giả phương Tây, tiếp sau tác phẩm sáng giá của P.Mắc-đô-nan (Peter Macdonald) “Giáp - Hai cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB Perrin, Paris, 1972) và các sách khác như “Giáp hay là cuộc chiến tranh nhân dân” của G.Lơ-quăng (Gérard Lequang) - NXB Denoel Paris 1973 và “Giap” của G.Bu-đa-ren (Georges Boudarel) - NXB Atlas Paris 1977.

Tác giả đề từ bằng bốn câu thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng dịch ra tiếng Pháp. Tác giả bộc bạch trong lời giới thiệu: Sau khi đưa bản thảo tác phẩm “Clao-dơ-vít và chiến tranh nhân dân” cho nhà xuất bản, ông rơi vào một trạng thái hẫng hụt, có cảm giác là chưa hoàn thành công việc nghiên cứu do chưa tìm hiểu được vấn đề là các nhà chiến lược cách mạng sau Lê-nin đã vận dụng các luận điểm của Clao-dơ-vít ra sao. Thế rồi cho tới khi đọc các tập Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịch sang tiếng Pháp (NXB Anako Pháp 2003-2004), T.Đéc-ben phát hiện ra có một sự “gặp gỡ” giữa Giáp và Clao-dơ-vít. Nhờ các Hồi ức của Tướng Giáp mà ông đã viết được luận văn này để bổ sung phần còn thiếu trong công trình nghiên cứu của ông.

Clao-dơ-vít là ai?

Thiếu tướng Clao-dơ-vít (Karl Von Clausewitz, 1780-1831) là nhà nghiên cứu lý luận và sử học quân sự nổi tiếng của nước Phổ thế kỷ XIX. Tốt nghiệp Học viện Quân sự Béc-lin (1801), ông làm việc trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Phổ, năm 1812 chuyển sang phục vụ trong quân đội Nga, hai lần tham gia kháng chiến chống đạo quân xâm lược của Na-pô-lê-ông (1806-1807 và 1812-1815). Sau chiến tranh, ông làm giám đốc Học viện Quân sự Béc-lin. Ông đã nghiên cứu hơn một trăm cuộc chiến tranh và hành binh thời kỳ 1566-1815, viết nhiều tác phẩm về lịch sử quân sự, xây dựng một hệ thống lí thuyết về khoa học, nghệ thuật quân sự trong chiến tranh. Luận điểm nổi tiếng nhất của ông là: “Quân sự là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn khác”, được Lê-nin đánh giá cao. Tác phẩm nổi tiếng của ông là “Bàn về chiến tranh”.

Theo sự nghiên cứu của tác giả T.Đéc-ben trong sách “Giáp và Clao-dơ-vít” thì tướng Clao-dơ-vít còn là một trong các nhà lý luận đầu tiên về chủ thuyết chiến tranh nhân dân. Ông đã viết chương “Toàn dân cầm vũ khí” trong tác phẩm “Bàn về chiến tranh” qua kinh nghiệm kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của Na-pô-lê-ông. Ông đã giảng dạy về “Cuộc chiến tranh nhỏ” tại Học viện Quân sự Béc-lin.

Hai cuộc chiến tranh Đông Dương

Ngoài các tập Hồi ký và các tác phẩm khác của Tướng Giáp, T.Đéc-ben đã “cày cuốc” các sách viết về Tướng Giáp của các tác giả phương Tây, sưu tầm thêm tư liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam (Nhà sách Maspéro Paris 1975, sách của Pierre Rouset), về Hồ Chí Minh của C.P.Ra-gô (Christiane Pasquel Rageau).

T.Đéc-ben đã đọc các tác phẩm của W.Bớc-sét (Wilfred Burchett) như: “Cuộc kháng chiến lần thứ hai: Việt Nam 1965” (NXB Gallimard Paris 1965) và “Do đâu mà Việt Cộng thắng” (Nhà sách Maspéro 1968), đọc các tác phẩm của Béc-na Phôn (Bernard Fall) như “Việt Minh; nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945-1960” (NXB Armand Colin 1960), “Đông Dương 1945-1960”, “Con đường không vui”, “Niên giám một cuộc chiến tranh cách mạng” (Robert Lafont Paris1962), và hàng đống sách về Điện Biên Phủ.

T.Đéc-ben cũng đã đọc cuốn “Vietnam” của Xtan-lây Các-nốp (Stanley Karnow) - Presses de la Cité Paris 1984, “Lịch sử các cuộc chiến tranh ở Việt Nam” (Tuyển tập, NXB Elsevier Paris 1980), “Cuộc tấn công ngày thứ sáu lễ Thánh” của Jacques Despuech (NXB Fayard Paris 1973). T.Đéc-ben cũng đã đọc tác phẩm Đại thắng Mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Trên cơ sở các tư liệu nói trên, tác giả đã dành hai chương để khái quát diễn biến của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Sự đào tạo về quân sự của Tướng Giáp

“Thưa cô, làm sao cô có thể cho là Giáp thắng được? Ông ta chưa hề qua một trường quân sự nào!”-Đó là câu nói rất nghiêm chỉnh của một sĩ quan tham mưu Pháp trả lời nữ ký giả Bri-gít Phri-ăng (Brigitte Friang) khi ký giả này hỏi về Tướng Giáp. Thực sự mà nói, kiến thức quân sự của Tướng Giáp hoàn toàn do tự học”. T.Đéc-ben mở đầu chương IV như vậy. T.Đéc-ben kể lại thời ông Giáp là giáo sư sử học năm 1938, các học trò hào hứng theo dõi các bài giảng của ông về cách mạng Pháp, về các trận chiến của Na-pô-lê-ông. Ông cũng đã viết cuốn sách nhỏ “Tìm hiểu tình hình quân sự Tàu” giới thiệu cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. T.Đéc-ben cũng thuật lại việc Hồ Chí Minh năm 1940 cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đi Diên An học chính trị và quân sự. Nhưng sau đó, Pa-ri thất thủ, Hồ Chí Minh đã gọi ngay hai người trở lại, để về nước chuẩn bị khởi nghĩa. Từ đó, trường học quân sự của Tướng Giáp là thực tiễn đấu tranh vũ trang.

Tướng Giáp và tư tưởng quân sự Việt Nam

T.Đéc-ben nhận thấy rằng, cho dù tư tưởng quân sự cách mạng Trung Quốc có một ảnh hưởng đáng kể đối với Việt Minh, nhưng không thể kết luận đó là cội nguồn của tư tưởng quân sự cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của tư tưởng quân sự cách mạng Việt Nam trước hết là di sản quân sự của truyền thống đánh giặc giữ nước lâu đời của dân tộc Việt Nam. T.Đéc-ben đã điểm lại 10 thế kỷ Bắc thuộc với bao nhiêu cuộc khởi nghĩa, 10 thế kỷ độc lập với các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh xâm lược.

“Giáp am hiểu sâu sắc lịch sử nước nhà, ông đã giảng dạy điều đó một cách say sưa khi là thầy giáo dạy sử ở Hà Nội; ông đã chứng minh có một học thuyết quân sự Việt Nam hình thành từ rất sớm”. T.Đéc-ben viết như vậy và trích dẫn lời của Tướng Giáp trong các tác phẩm “Chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam”, “Vũ trang quần chúng, xây dựng quân đội nhân dân".

Tướng Giáp và Clao-dơ-vít - một cuộc gặp gỡ

“Giáp đã chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều năm trước khi đọc Clao-dơ-vít. Chính là vào khoảng thời gian ở Việt Bắc, giữa cuộc chiến đấu ở Hà Nội 1946 và trận Điện Biên Phủ, mà Giáp yêu cầu người thư ký hoặc phu nhân Đặng Bích Hà đọc cho ông nghe từng đoạn của cuốn sách Bàn về chiến tranh của Clao-dơ-vít".

T.Đéc-ben trích một đoạn trong Hồi ức của Tướng Giáp: “Khi nghe, tôi cảm thấy như Clao-dơ-vít đang ngồi trước mắt, luận bàn về những sự việc đang diễn ra, Clao-dơ-vít hiểu sâu sắc tính cực kỳ biến động của chiến tranh vì nó chứa đựng quá nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Ông ví chiến tranh như một canh bạc. Tôi đặc biệt thích chương “Vũ trang nhân dân”. Tôi tự hỏi, “Vì sao một sĩ quan của đế chế Phổ lại có được những nhận định rất triết học về một hình thức đấu tranh vũ trang nhân dân? Clao-dơ-vít phải có một tinh thần thiết tha yêu Tổ quốc, không chịu để đất nước mình bị khuất phục dưới vó ngựa quân xâm lược mới viết nên được những điều như thế. Tôi chú ý tới đoạn tác giả bàn về cái ông gọi là “Chiến tranh nhỏ”. Nó rất phù hợp với những điều mà ông cha ta đã nói: “Lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “dùng đoản binh thắng trường trận”. Clao-dơ-vít viết: “Chiến tranh nhỏ biểu hiện những đặc tính: Những phân đội nhỏ có thể đi qua mọi nơi, tự tiếp tế không khó khăn, giữ bí mật, di chuyển nhanh chóng, rút lui ngay cả khi không có đường sá... Phải chăng những gì ta đang làm cũng có chỗ giống loại hình này?”.

Tướng Giáp, người chỉ huy chiến tranh mẫu mực theo quan niệm của Clao-dơ-vít

T.Đéc-ben viết tiếp: “Trong Bàn về chiến tranh, Clao-dơ-vít đã xác định những phẩm chất đạo đức và trí tuệ của người chỉ huy chiến tranh. Trước hết đó là ý chí quyết thắng, là sự can đảm đối mặt với hiểm nguy và mệt nhọc của chiến tranh. Về những đức tính này, Giáp có thừa. Không những có ở ông mà đến người lính cuối cùng của ông cũng có”… “... Về phẩm chất trí tuệ, phải biết đánh giá đúng tình hình trong tất cả sự phức tạp và bất định của nó. Phải biết nắm thông tin, xử lý thông tin, biết sự giới hạn của thông tin. Tóm lại, phải có một “cái nhìn” cho phép nắm chắc đúng lúc tình hình đang diễn ra.

Và cuối cùng, đây là phẩm chất đạo đức đặc biệt của người chỉ huy chiến tranh, đó là sự dũng cảm, không phải đối mặt với hiểm nguy về con người mà là sự dũng cảm đối mặt với trách nhiệm.

Giáp có tất cả những đức tính của người cầm quân theo ý tưởng của Clao-dơ-vít. Giáp đã chứng tỏ sự dũng cảm trước hiểm nguy cũng như trước trách nhiệm, tự chủ và cương quyết, có “cái nhìn” xác định được cách giải quyết đúng đắn nhất trong những tình huống mập mờ, không chắc chắn, có sự “dũng cảm của trí tuệ” ra quyết định đúng đắn mà Clao-dơ-vít nói là “không bao giờ cứng nhắc, có sự tỉnh táo chế ngự được mọi tình huống bất ngờ mới nảy sinh”. Điển hình là Quyết định khó khăn nhất của Giáp tại Điện Biên Phủ...”.

Tướng Giáp, nhà chiến lược theo chuẩn mực của Clao-dơ-vít

“Giáp đã vận dụng và phát triển học thuyết của Clao-dơ-vít về chiến tranh cách mạng. Sự ghi nhận này rất rõ trên hàng loạt vấn đề: Quan niệm về chiến tranh toàn dân, về “cuộc chiến tranh nhỏ”, về quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, về việc soạn thảo những kế hoạch chiến lược… Giáp cũng đã vận dụng những quan điểm về mối quan hệ giữa tiến công và phòng ngự, về nguyên tắc tập trung binh lực, về tầm quan trọng của yếu tố chính trị, tinh thần, về nguyên tắc phải có “trận quyết định…”.

T.Đéc-ben đã trích nhiều đoạn trong tác phẩm của Tướng Giáp và của Clao-dơ-vít để chứng tỏ có sự gặp gỡ trong ý tưởng. Tác giả còn dẫn chứng nhiều sự kiện trong chiến tranh và đi đến kết luận rằng Tướng Giáp là người đã đưa vào thực tiễn chiến tranh giải phóng Việt Nam nhiều khái niệm của Clao-dơ-vít.

Điện Biên Phủ, một “trận đánh quyết định” theo quan điểm của Clao-dơ-vít

Chương cuối của tác phẩm “Giáp và Clao-dơ-vít”, tác giả dành để chứng minh luận điểm của Clao-dơ-vít về mục tiêu của chiến tranh (không phải mục tiêu tổng quát gắn liền với mục đích chính trị) mà là mục tiêu quân sự. Đó là nhằm dồn đối phương vào một tình thế không còn có thể tiếp tục cuộc chiến được nữa.

T.Đéc-ben cho rằng, sau khi đọc Clao-dơ-vít, Tướng Giáp đã vận dụng khái niệm “Trận quyết định” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ nằm trong khái niệm “cuộc chiến tranh lớn” của Clao-dơ-vít, Giáp đã chọn thời cơ giáng cho quân viễn chinh Pháp một đòn quyết định, vừa tiêu diệt lớn sinh lực địch, vừa đập tan ý chí xâm lược của đối phương.

T.Đéc-ben kể lại chuyện Hội nghị Bộ Chính trị ở Tỉn Keo, chuyện Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Tướng Giáp: “Trận này phải thắng”. Và Tướng Giáp đã thực hiện xuất sắc, làm nên một chiến thắng lẫy lừng có ảnh hưởng quyết định đến diễn biến của Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 và thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa trên thế giới.

Kết thúc cuốn sách, T.Đéc-ben đã củng cố ý tưởng của mình về sự gặp gỡ “Giáp - Clao-dơ-vít” bằng việc công bố hai văn kiện: Tướng Giáp trả lời phỏng vấn của Báo Etudes Vietnamiennes về chiến thắng Điện Biên Phủ, và bài viết của Chê Ghê-va-ra (Che Guevara) đề tựa cuốn sách “Chiến tranh nhân dân Quân đội nhân dân” của Võ Nguyên Giáp, bản dịch lần đầu công bố tại Pháp.

Trung tướng HỒNG CƯ